Các 'cường quốc nhan sắc thế giới' có còn mê thi hoa hậu?
Trong nước, câu chuyện "loạn hoa hậu" hay "bội thực hoa hậu" là vấn đề tranh cãi chưa có hồi kết.
Trên một diễn đàn, có người còn dí dỏm nói: "Ở Việt Nam, ra ngõ là gặp hoa hậu"; "Đi chợ cũng có thể gặp... hoa hậu" bởi số lượng "bóng hồng" bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp nhiều không kể xiết.
Còn ở những cường quốc nhan sắc như Venezuela, Mỹ hay ở các nước châu Á từng có thành tích cao tại các đấu trường nhan sắc như Trung Quốc, Hàn Quốc, danh xưng hoa hậu, á hậu đang dần mất giá.
Các "nữ hoàng nhan sắc" Venezuela di cư để tìm cơ hội
Theo The Brooklyn Rail, Venezuela xứng đáng là quốc gia sản sinh ra các "nữ hoàng sắc đẹp" thành công nhất thế giới khi nắm giữ kỷ lục Guinness nước có số lần đoạt danh hiệu Hoa hậu Thế giới nhiều nhất.
Thậm chí, ở Venezuela cũng có vô số lò đào tạo hoa hậu. Nhiều phụ nữ xem việc trở thành hoa hậu là một nghề nghiệp "béo bở", mang lại cơ hội đổi đời.
Maritza Sayalero là người phụ nữ Venezuela đầu tiên giành được danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ năm 1979. Bà cũng đăng quang Hoa hậu Venezuela trong cùng năm - Ảnh: X / Pinterest
Tuy nhiên, một báo cáo của AP News nhận định nền kinh tế Venezuela đang lao dốc, lạm phát gia tăng khiến nhiều cuộc thi sắc đẹp của nước này đình trệ. Các công ty truyền hình, thương hiệu thời trang cũng thắt chặt tối đa khoản tài trợ, đầu tư.
"Cơ hội việc làm" cho những người bước ra từ các cuộc thi cũng vô cùng khan hiếm.
Chia sẻ với AP News, Giselle Reyes, người điều hành bốn trường đào tạo hoa hậu dành cho phụ nữ trẻ ở Venezuela, cho biết trong suốt thập kỷ qua, có khoảng 70% học viên của bà đã rời khỏi đất nước để tìm kiếm công việc người mẫu ở các quốc gia khác.
“Vào những năm 1990, việc tham gia cuộc thi sắc đẹp ở Venezuela gần như đảm bảo cho bạn một công việc vững chắc trong ngành người mẫu, giải trí. Nhưng bây giờ mọi chuyện khó khăn hơn nhiều”, Rafael Briceno, người đã dạy các lớp diễn thuyết trước công chúng cho hàng chục thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Venezuela, cho biết.
Hoa hậu đã được bảo vệ chính đáng?
Mỹ cũng được xem là một cường quốc nhan sắc khi sở hữu đến 9 người đẹp đăng quang cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, vượt qua cả Venezuela. Đất nước này cũng là nơi khai sinh ra các "đấu trường nhan sắc" lớn nhất hành tinh như: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế.
Nhưng gần đây "ngành công nghiệp cuộc thi sắc đẹp ở Mỹ đang là một mớ hỗn độn", nhà báo Edward Helmore thẳng thắn đặt vấn đề trên tờ The Guardian.
Chỉ trong 2 ngày, tổ chức Hoa hậu Mỹ chứng kiến sự rời đi của hai người đẹp đương nhiệm là Noelia Voigt - Miss USA 2023 và UmaSofia Srivastava - Miss Teen USA 2023.
Voigt cho biết mình đã bị một tài xế có những "hành vi tiếp cận không phù hợp" nhưng cô không nhận được sự bảo vệ nào từ tổ chức.
Thậm chí, chủ tịch cuộc thi còn nói Voigt là người của công chúng nên cần chấp nhận những điều đó.
Ngay sau đó, Srivastava cũng từ bỏ danh hiệu vì cho rằng "các giá trị cá nhân không còn phù hợp với định hướng của tổ chức".
Sự việc khiến tổ chức Hoa hậu Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn, với những lời cáo buộc về mặt quản lý yếu kém, môi trường làm việc độc hại và không còn là niềm khao khát của các cô gái.
Friedman, tác giả của Here She is, một cuốn sách về lịch sử cuộc thi sắc đẹp Mỹ, nhận định vụ việc trên cho thấy sự thay đổi lớn trong xã hội Mỹ là "cần chấp nhận quyền của phụ nữ, đặc biệt là quyền được lên tiếng về sức khỏe tinh thần, không phải chịu đựng sự quấy rối hay lạm dụng tại nơi làm việc".
Cuộc thi sắc đẹp hỗn loạn, danh xưng dần mất giá trị
Đất nước "tỉ dân" Trung Quốc từng sở hữu 2 người đẹp đăng quang Hoa hậu Thế giới là Trương Tử Lâm (2007) và Vu Văn Hà (2012). Hàn Quốc thì có Choi Mina Sue từng giành vương miện cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2022.
Tuy nhiên, hiện nay các danh xưng hoa hậu, á hậu ở các nước này đã không còn được quá xem trọng bởi các cuộc thi sắc đẹp có xu hướng thoái trào về quy mô tổ chức, chất lượng thí sinh và mức độ lan tỏa trên truyền thông.
Miss World 2007 Trương Tử Lâm một thời là biểu tượng sắc đẹp Trung Quốc. Xuyên suốt cuộc thi, cô luôn nằm trong top 10 người nổi bật do trang Globalbeauties bình chọn - Ảnh: Sina
Mấy năm qua, cuộc thi Miss World China không còn sức ảnh hưởng vì những lùm xùm trong quy chế tổ chức, dẫn đến sự quay lưng của công chúng.
Còn cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc cũng vướng bê bối mua giải, giảm sức hút vì chất lượng thí sinh. Nhiều người đẹp vướng nghi vấn phẫu thuật thẩm mỹ, kỹ năng trình diễn hạn chế.
Năm 2019, đấu trường sắc đẹp này còn vấp phải phản ứng dữ dội từ công chúng khi để thí sinh mặc quốc phục cách tân hở hang phản cảm trong chung kết.
Còn nhớ cuộc thi Hoa hậu Venezuela 2018 cũng gây xôn xao dư luận đến mức bị đình chỉ vì cáo buộc mại dâm. Nhiều thí sinh bị tố đã đổi tình lấy xe sang, những chuyến du lịch đẳng cấp, chi phí phẫu thuật thẩm mỹ, trang phục dự thi... từ các quan chức.
Màn trình diễn hanbok tại chung kết Miss Korea 2019 gây tranh cãi dữ dội - Ảnh: Koreaboo
Top 5 quốc gia nhiều hoa hậu nhất thế giới
Venezuela được mệnh danh là "nữ hoàng" trong thế giới sắc đẹp. Hiện đất nước này sở hữu 21 danh hiệu hoa hậu bốn cuộc thi lớn trên thế giới gồm: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất. Trong 21 danh hiệu, Venezuela giành chiến thắng Hoa hậu Thế giới 6 lần, Hoa hậu Hoàn vũ 7 lần, Hoa hậu Quốc tế 6 lần, Hoa hậu Trái đất 2 lần.
Đứng vị trí thứ 2 là Mỹ, đoạt 14 danh hiệu gồm: 3 lần chiến thắng Hoa hậu Thế giới, 8 lần chiến thắng Hoa hậu Hoàn vũ, 3 lần chiến thắng Hoa hậu Quốc tế.
Top 3 là quốc gia châu Á - Philippines. Đất nước này có 10 lần đoạt vương miện cả bốn cuộc thi hoa hậu lớn ít nhất một lần: 1 vương miện Hoa hậu Thế giới, 2 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 5 vương miện Hoa hậu Quốc tế, 2 vương miện Hoa hậu Trái đất.
Xếp vị trí thứ tư là Puerto Rico, đoạt 8 danh hiệu, trong đó thiếu danh hiệu Hoa hậu Trái đất. Đất nước này có người đẹp đăng quang Hoa hậu Thế giới 1 lần, Hoa hậu Hoàn vũ 5 lần và 2 lần đăng quang Hoa hậu Quốc tế.
Vị trí thứ 5 thuộc về Ấn Độ, đoạt 8 danh hiệu, gồm 5 lần chiến thắng Hoa hậu Thế giới, 2 lần chiến thắng Hoa hậu Hoàn vũ và 1 lần chiến thắng Hoa hậu Trái đất.
No comments