Trịnh Phối Phối qua đời, một cuộc mộng giang hồ đã khép
Tưởng niệm Trịnh Phối Phối, khán giả có thể xem lại tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Đại túy hiệp, để ngoái nhìn thời hoàng kim của điện ảnh Hong Kong.
Vang bóng một thời
Trịnh Phối Phối sinh năm 1946 ở Thượng Hải. Ở tuổi 16, bà chuyển đến Hong Kong trong giai đoạn cực thịnh nhất của ngành điện ảnh.
Hai năm sau, bà chính thức bước chân vào nghiệp diễn xuất sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên và ký hợp đồng với Thiệu Thị Huynh Đệ (Shaw Brothers Studio).
Trong thập niên 1960, Thiệu Thị là hãng phim hàng đầu, gần như chiếm vị trí độc tôn trong ngành công nghiệp phim ảnh ở Hong Kong.
Cũng vào thập niên này, trường phái phim võ hiệp từ sơ cơ đã phát triển lên cực thịnh, trở thành dòng phim đặc trưng của điện ảnh Hoa ngữ.
Những vị đạo diễn được xem là "tổ sư" có công định hình phim võ hiệp thời bấy giờ là Hồ Kim Thuyên, Trương Triệt, Sở Nguyên.
Sự nghiệp hàng chục bộ phim của họ cũng đóng góp vào sự bùng nổ của ngành công nghiệp điện ảnh ở xứ sở này, góp phần tạo ra một thời vàng son khó lòng trở lại nữa.
Nổi bật nhất trong các vị kể trên có lẽ là Hồ Kim Thuyên (1932-1997). Phong cách làm phim của ông có ảnh hưởng rất lớn lên lứa đạo diễn hậu bối như Từ Khắc, Trương Nghệ Mưu, Lý An…
Đặc biệt hình ảnh nữ đại hiệp do Hồ Kim Thuyên xây dựng trở thành điển phạm cho nhiều nhân vật hiệp nữ sau này. Tạo hình cải nam trang, tóc búi, nón rộng vành xuất hiện trong bóng dáng nhiều thế hệ diễn viên như Trịnh Phối Phối, Lâm Thanh Hà, Châu Tấn.
Bộ phim Long Môn khách sạn ra đời năm 1966 là kinh điển của điện ảnh Hong Kong, trở thành nguồn cảm hứng cho các phim kinh điển hiện đại như Tân Long Môn khách sạn (1992) và Long Môn phi giáp (2011).
Diễn viên trẻ Trịnh Phối Phối có may mắn khi vào nghề chưa lâu đã nhận được vai diễn sẽ định hình tên tuổi của bà như nữ hiệp số một của màn ảnh, phải rất lâu mới bị thay thế.
Phim Đại túy hiệp (1966) của Hồ Kim Thuyên đánh dấu lần đầu nhân vật nữ thành trung tâm trong một bộ phim võ hiệp. Trịnh Phối Phối xuất hiện trong phim này được xem là nữ hiệp đầu tiên trên cõi giang hồ vốn là chốn tung hoành của các nam đại hiệp.
Một thế giới giang hồ đẫm nam tính, bạo lực, với những ân oán tình thù truyền kiếp. Nữ giới nếu có, thường chỉ đóng vai trò phụ, liễu yếu đào tơ, đợi chờ giải cứu hay chỉ phụ trợ nam chính.
Đến Đại túy hiệp, nhân vật của Trịnh Phối Phối đã thoát khỏi sự yếu mềm đậm chất nhi nữ Đông phương. Nữ hiệp khách đơn độc trên hành trình truy tìm công lý giữa một thế giới toàn đàn ông, nơi mà luật chơi được đàn ông đưa ra và quyết định.
Trong thế giới như vậy không có chỗ cho nữ giới. Đầu tiên, vị nữ hiệp mới của chúng ta phải cải nam trang, nghĩa là che giấu tính nữ của mình.
Qua cách đương đầu với thế lực hùng mạnh và đông đảo hơn, nhân vật nhận ra khả năng của mình không chịu sự chi phối của giới tính. Họ dần tìm được tự tin, dám xuất hiện dưới bản dạng giới thật, chiến đấu với thế lực xấu.
Xét trên phương diện này, trước khi các phong trào nữ quyền trong ngành điện ảnh bùng nổ như ngày nay, nó đã phần nào tìm thấy thắng lợi ban đầu trong các bộ phim võ hiệp Hoa ngữ.
Tuy nhiên nữ quyền trong võ hiệp không phát triển theo hướng cực đoan mà dung hòa. Nhân vật nam vẫn có đất diễn, dù có lui về hậu trường vài bước, họ tương trợ nhân vật nữ lúc khó khăn, là bạn đồng hành và đồng đội đáng tin cậy.
Cảnh quyết đấu cuối trong Đại túy hiệp vẫn là vị nam hiệp quyết đấu với phản diện nguy hiểm có võ công cao nhất phim.
Mộng giang hồ đã khép
Tác phẩm cuối cùng Trịnh Phối Phối tham gia là Hoa Mộc Lan phiên bản Disney. Những năm gần đây, các tác phẩm của hãng này thường tạo ra những ý kiến trái chiều.
Việc theo đuổi nhiệt tình những lý tưởng bình đẳng của Disney không phải lúc nào cũng được khán giả đón nhận, nhất là khi hãng rất "chịu khó" thay đổi tạo hình các nhân vật vốn quen thuộc.
Hoa Mộc Lan có những phân cảnh đánh võ đẹp mắt. Võ thuật cũng chính là món quà phim võ hiệp Hoa ngữ đã mang đến cho thế giới điện ảnh.
Sức ảnh hưởng không chỉ thấy ở các nước có nền văn hóa tương đồng mà còn ở phương Tây, nơi quen gọi chung các thể loại phim võ hiệp là phim kungfu.
Ít nhiều các chiêu thức giao chiến, mô típ nhân vật báo thù, hay thậm chí các phân cảnh giao đấu ở một số phim Hollywood chịu ảnh hưởng của phim kungfu. Có thể kể đến Kill Bill của Quentin Tarantino, hay cảnh chiến đấu trong phim Matrix…
Dẫu vậy ngày nay vị thế của điện ảnh Hong Kong đã không còn như trước. Lẽ tất yếu phim võ hiệp cũng thoái trào, nhất là võ hiệp cổ trang. Đài TVB vốn có thế mạnh với thể loại này, từ lâu cũng không sản xuất được bộ nào đủ sức gọi là kinh điển.
Trong khi đó ở đại lục phát triển dòng phim tiên hiệp, chủ yếu nhấn mạnh đến "tiên" hơn là "hiệp". Lâu dần cái tinh thần "hiệp" đó cũng ít thấy. Tiên, ma hay các trận đấu đá chấn động tam giới cũng chỉ làm mái che cho câu chuyện ngôn tình núp bóng.
Các bộ phim chuyển thể gần đây từ tác phẩm của Kim Dung, minh chủ của văn học võ hiệp, cũng vướng nhiều tranh cãi từ người hâm mộ. Thường chê hơn là khen. Thứ nhất vì cái bóng của các tác phẩm trước quá lớn.
Thứ nhì, có thể thấy rõ nhất chính là các nhà làm phim hiện nay dường như không nắm bắt được tinh thần của võ hiệp. Võ hiệp trở thành thứ yếu dẫu đáng ra phải được đặt lên hàng đầu. Kỹ xảo dù hiện đại hơn, bối cảnh đẹp hơn, trang phục lộng lẫy hơn nhưng đánh mất độ chân thật.
Trở lại Đại túy hiệp. Cảnh đấu võ giữa nữ hiệp khách không quay chậm, cũng không bằng một cú vung kiếm đã giết hàng trăm mạng.
Hai thanh đoản kiếm Trịnh Phối Phối dùng trong phim có lẽ là một trong những binh khí ấn tượng nhất lịch sử phim võ hiệp. Nó vừa linh hoạt, nhỏ nhắn nhưng uyển chuyển, sắc bén.
Chiêu thức không độc đáo nhưng hiệu quả và thuyết phục. Đại đao là món binh khí ít nữ hiệp nào sử dụng vì sự nặng nề, hình dáng thô kệch.
Cho nên cảnh Trịnh Phối Phối cầm đại đao đánh nhau trong Ngũ hổ đồ long gây được ấn tượng mạnh.
Trường đoạn nữ chính quyết đấu với bạch y nhân trong Đại túy hiệp thể hiện được sự tinh tế của Hồ Kim Thuyên.
Dù mạnh mẽ nhưng khi bị chém rách áo, nữ hiệp vẫn xấu hổ. Điều này làm cho nhân vật sống động hơn, có tâm lý phức tạp hơn là một cỗ máy chém giết trả thù vốn thành công thức của phim võ hiệp.
Hay đoạn cao thủ như tên bạch y nhân, đang lúc giao đấu vô tình đạp phải thứ gì đó nên bị trượt chân. Nó làm cho võ hiệp vốn là thể loại hoang đường trở nên thật hơn, gần gũi hơn với khán giả.
Sự chăm chút vào chi tiết thay vì quá nhấn mạnh vào bạo lực đã làm cho phim võ hiệp Hong Kong phát triển lên một tầm cao mới.
Trịnh Phối Phối vô tình mà hữu lý đã xuất hiện vào những thời điểm lịch sử của dòng phim võ hiệp.
Bà đã tham gia từ vai chính trong Đại túy hiệp cho đến vai phụ trong Ngọa hổ tàng long của Lý An.
Bộ phim này có lẽ là tác phẩm võ hiệp đầu tiên và e rằng cuối cùng trong lịch sử đạt thành tích 4 giải Oscar, trong đó có giải Phim nước ngoài hay nhất.
Suốt sự nghiệp của Trịnh Phối Phối gắn liền với phim võ hiệp. Cùng với Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ, bà đã làm nên diện mạo đại hiệp phong phú trong một cõi giang hồ mênh mông và đầy hỷ nộ ái ố. Cõi giang hồ ấy phản chiếu chính cuộc đời này.
Nhưng cùng với thời gian chiếc gương đồng đó đã mờ đục, nằm im xó phòng, trở thành món trang trí thi thoảng nhắc nhở thế gian về những cuộc mộng giang hồ không còn ai phiêu lãng.
No comments