Inside Out 2 thu 1 tỉ USD: Vì sao chuyện về Lo Âu được cả thế giới đồng cảm?
Qua Inside Out 2, việc gọi tên và khắc họa cảm xúc lo âu trên màn ảnh rộng, qua một bộ phim hoạt hình đại chúng, rất có ý nghĩa với người trẻ - những người phải đương đầu với lo âu mà chưa biết cách giải quyết.
Lo Âu xuất hiện (cùng với Xấu Hổ, Ghen Tị, Chán Nản và một chút Hoài Niệm) khi nhân vật chính Riley của phim bước vào tuổi dậy thì.
Lo Âu là trung tâm của cảm xúc tuổi dậy thì
Ở tuổi 13, Riley lo lắng khi cô bé sắp bước vào trung học, phải làm quen với những người bạn hoàn toàn mới mà không có hai cô bạn thân ở bên.
Cô bé nảy sinh nỗi lo âu về vị trí - vai trò, lúc nào cũng ám ảnh nếu mình chọn sai đường, không vào được đội tuyển khúc côn cầu nữ, không hòa nhập được với những người chị "cool ngầu" ở trường mới thì tương lai sẽ tăm tối.
Trong phim, lần đầu xuất hiện ở trung tâm điều khiển trí não của Riley, Lo Âu mang theo một đống hành lý, dưới dạng sáu chiếc vali. Không một nhân vật cảm xúc nào trông bộn bề như thế.
"Tôi có thể giúp gì?" - cô nàng Lo Âu ngay lập tức hỏi một tràng - "Tôi có thể ghi chú, lấy cà phê, quản lý lịch trình, dắt chó đi dạo, xách đồ cho bạn, trông chừng bạn ngủ?".
Ngay từ đầu, nhân vật này đã gây cảm giác thái quá và áp lực cho những người xung quanh, dù rất nhiệt tình nhảy vào muốn giải quyết vấn đề.
Theo New York Times, các chuyên gia tâm lý cho rằng một chút lo âu có thể hữu ích với con người, nhưng cảm xúc này đang vượt quá tầm kiểm soát trong cuộc sống của nhiều người trẻ.
Cuộc đấu tranh nội tâm của cô bé Riley trong Inside Out 2 mang tính biểu tượng cho điều đó. Đạo diễn Kelsey Mann của bộ phim mong muốn giúp đỡ người xem ở mọi lứa tuổi cảm thấy bớt cô đơn hơn.
Xem Inside Out 2, không chỉ khán giả mà những nhà phê bình cũng thừa nhận họ tìm thấy mình trong cách nhà làm phim mô tả nỗi lo âu. Họ trải qua lo âu khi dậy thì và đến bây giờ, khi đã làm bố làm mẹ ở tuổi trung niên, vẫn còn đầy lo âu.
Đạo diễn nói với New York Times: "Một phần quan trọng trong việc giải quyết cảm xúc là hãy đặt đúng tên cho chúng. Sau khi chúng được nhìn nhận, mức độ căng thẳng sẽ giảm xuống".
Biên kịch Meg LeFauve cho biết phim đã cắt bớt một số cảm xúc như Nhục Nhã, Tội Lỗi... để tập trung vào Lo Âu, mô tả cách Lo Âu giành quyền kiểm soát tâm trí Riley khi cô bé dậy thì.
"Chúng tôi cần đặt Lo Âu vào trung tâm và không xé lẻ cốt truyện" - biên kịch nói.
Bài học của Inside Out 2: Lo âu là điều bình thường
Inside Out 2 truyền tải bài học mạnh mẽ: lo âu là điều bình thường, những khuyết điểm đơn giản là một phần của mỗi người và tất cả cảm xúc đều góp phần quan trọng làm nên bản sắc con người.
Nhà tâm lý học lâm sàng Lisa Damour, tham gia cố vấn cho Inside Out 2, cho biết ngay cả những cảm xúc không thoải mái cũng là tự nhiên và cần thiết với chúng ta.
"Chúng giữ chúng ta được an toàn, hướng dẫn cho chúng ta. Bạn không thể ngăn chặn cảm xúc tiêu cực bằng cách đóng sập cửa với chúng" - Damour nói.
Trong phim khi Lo Âu đi chệch hướng, đuổi Vui Vẻ cùng tất cả cảm xúc khác ra ngoài, Riley mới phát hoảng và có biểu hiện rối loạn.
Nhóm gồm đạo diễn Kelsey Mann, nhà tâm lý Dacher Keltner và chuyên gia về khoa học cảm xúc Dacher Keltner đã quyết định rằng hành động của Lo Âu cũng bị thúc đẩy bởi một động lực giống hệt với Vui Vẻ, đó là tình yêu dành cho Riley.
Thực ra Lo Âu cũng rất đáng yêu và chân thành, muốn giúp đỡ và bảo vệ Riley vượt qua những thử thách của tuổi dậy thì.
NHỮNG MẢNH GHÉP CẢM XÚC 2 (Inside Out 2) - Trailer mới nhất - DKKC: 14.06.2024
Nhưng cách làm của Lo Âu có chút tiêu cực: tưởng tượng ra mọi sai lầm mà Riley có thể gây ra để tìm cách ngăn chặn và lại mắc thêm sai lầm mới.
Inside Out 2 cũng lồng ghép chủ đề về chủ nghĩa hoàn hảo. Sắp vào cấp học mới, Riley cầu toàn đến mức tưởng mỗi nước đi sai của mình đều có thể hủy hoại tương lai.
Cũng như nhiều người trẻ khác, Riley quá khắc nghiệt với bản thân.
Cô bé bị ám ảnh bởi suy nghĩ "Mình không đủ tốt", hay tự đóng đinh bản thân "Mình là người tốt" mà chưa hiểu rằng để trưởng thành, con người luôn bị giằng xé giữa các thái cực để tìm ra bản sắc của mình.
Chúng ta nặng về đánh giá bản thân chỉ qua hai mặt tốt xấu. Còn trên thực tế, tiến sĩ Keltner nói một con người bao gồm rất nhiều sắc thái, khía cạnh. Bộ phim của Pixar khuyến khích người trẻ nghĩ theo cách đó.
"Cảm xúc mang theo trí tuệ của mọi thời đại" - ông nói. Bộ phim giúp đỡ người trẻ bớt khắc nghiệt với bản thân, chấp nhận tầm quan trọng của những cảm xúc khác nhau và chấp nhận sự phức tạp của chính mình.
Bộ phim có câu thoại nổi tiếng là "Khi người ta lớn lên, niềm vui ít dần đi" nhưng đồng thời, Inside Out 2 giúp khán giả nhận ra rằng: đôi khi, niềm vui lùi lại một chút cũng là điều tốt.
Nguồn: Sưu Tầm
No comments