'Khán giả không biết Tùng Dương là ai, tôi càng phải chăm chỉ'
Khi Tùng Dương trở lại với ca khúc mới và MV đầu tư 1 tỉ đồng Cánh chim phượng hoàng, anh tuyên bố muốn thay đổi tư duy âm nhạc để mới hơn, trẻ hơn và đến gần với khán giả hơn.
Nhưng trên Tuổi Trẻ Online, có một bình luận độc giả viết: "Tùng Dương là ai vậy?".
Khi được hỏi, Tùng Dương nói: "Nếu một đồng nghiệp biết rõ tôi là ai mà còn hỏi câu đó, thì tôi mới giận. Còn khán giả hỏi Tùng Dương là ai thì tôi không hề có một chút tự ái nào cả".
Tùng Dương xưa, vào mục Sao xấu là nhảy đổng lên ngay
Anh tự tin hồi đáp với Tuổi Trẻ Online: "Tôi thích câu hỏi đấy. Họ không biết tôi là ai thì tôi càng phải nỗ lực hơn nữa để một ngày nào đó họ sẽ biết.
Tên tuổi tôi phải viral hơn nữa, hoạt động chăm chỉ hơn nữa. Từ khi họ không biết tôi, đến khi họ biết, là tôi đã chinh phục được thêm một người nữa.
Nếu bạn thấy mình đã đủ nổi tiếng rồi, là lúc bạn đã dừng lại, không thể phát triển thêm nữa".
Khi khán giả dù biết đến Tùng Dương nhưng chưa biết tường tận, giọng hát của anh chưa chinh phục được họ, thì theo anh, họ vẫn có quyền hỏi câu đó.
Nói nếu một khán giả chưa từng biết đến anh mà tình cờ nghe anh hát rồi khen hay, thì cảm giác của Tùng Dương là "vô cùng sung sướng, giống như khi bắt đầu sự nghiệp".
"Đã qua thời điểm tôi tự ái rồi" - Tùng Dương nói thêm - "Ngày xưa, tôi hát bài Con cò đoạt giải của Bài hát Việt, đi chân đất mặc trang phục của Công Trí, đầu ba phân. Nhưng hôm sau tôi vẫn vào danh sách "Sao xấu" vì ăn mặc xấu.
Khi còn trẻ, tôi sẽ nhảy đổng lên ngay lập tức, nghiến răng nghiến lợi, khó chịu vì bài viết đấy. Nhưng điều đó thể hiện đúng lứa tuổi của tôi lúc đó. Khi trẻ người ta luôn háo thắng.
Còn bây giờ nó qua rồi. Ai chê gì tôi cũng nhìn nhận xem có thiện chí và tính xây dựng hay không. Tôi không còn chạnh lòng hay dỗi dằn nữa".
Ca sĩ thừa nhận anh có hai phiên bản mới và cũ, không hoàn toàn trái ngược nhau nhưng có nhiều điểm khác biệt.
Trước đây anh cực đoan, chỉ muốn hát những gì mình thích mà không quan tâm lắm đến sự tiếp nhận. Anh từng đi hát ở sự kiện nhưng lại chọn nhạc Ngọc Đại, biểu diễn như lên đồng trên sân khấu. Điều này làm thu hẹp lượng khán giả của anh.
Nhưng nhiều năm trở lại đây, đặc biệt sau chuyến đi đến Tây Tạng trước thời COVID-19, Tùng Dương thay đổi rất nhiều. Anh cảm thấy một nguồn năng lượng tươi trẻ bên trong mình và thôi thúc mình đổi mới, tìm đến với nhiều khán giả hơn.
Cái tên Tùng Dương "viral" hơn trên mạng xã hội qua các bản cover nhiều ca khúc nhạc trẻ như Ai chung tình được mãi, Anh ơi ở lại, Ngày chưa giông bão, Nàng thơ, Bên trên tầng lầu, Sau lời từ khước...
Gần đây nhất, anh lại "viral" với ca khúc Một vòng Việt Nam của nhạc sĩ Đông Thiên Đức. Một vòng Việt Nam được Đông Thiên Đức đưa cho Tùng Dương thu âm, một năm sau bài hát mới "viral".
Điều này khiến Tùng Dương tuyên bố: "Tôi không theo trend mà trend tự tìm đến tôi".
Bài hát Một vòng Việt Nam - Tùng Dương
Chữ 'tượng đài' không nên tự nhận
Thời gian qua, nhiều ca sĩ có thâm niên 20 năm, 30 năm trong làng nhạc Việt có hoạt động kỷ niệm như ra MV, làm album hay live concert riêng.
Dưới một bài báo về ca sĩ Hà Trần, khi ê kíp tôn vinh chị là "tượng đài", một số khán giả lại bình luận phủ nhận, cho rằng từ "tượng đài" là thái quá.
Với Tùng Dương, anh cũng có 20 năm hoạt động kể từ chương trình Sao mai điểm hẹn năm 2004 - nơi anh giành giải do Hội đồng nghệ thuật bình chọn.
Anh trải qua nhiều giai đoạn, cột mốc lớn, giành rất nhiều giải thưởng âm nhạc.
Khi được hỏi phải chăng những ca sĩ thâm niên 20, 30 năm hơi thiệt thòi khi khán giả hiện nay có thể đã lãng quên những thành tựu trong quá khứ của họ, Tùng Dương trả lời:
"Vì vậy tôi mới phải trẻ hóa, để các thế hệ trẻ hơn một ngày nào đó sẽ biết đến tôi".
Sự cách biệt thế hệ luôn xảy đến. Theo anh, cha mẹ của khán giả trẻ ngày nay mới là những người biết nhiều hơn về các ca sĩ có thâm niên.
Anh nói: "Còn chữ tượng đài - tôi nghĩ chẳng ai tự nhận mình là tượng đài cả.
Nếu ai đó tự nhận là tượng đài thì họ chưa lớn đâu. Họ lớn khi họ hiếu thẩu, thông suốt cuộc đời.
Giá trị mình hướng tới không phải là trở thành tượng đài mà là truyền cảm hứng, mang điều tích cực đến cho mọi người. "Tượng đài" không nên tự nhận mà nên là khán giả hoặc giới chuyên môn đặt cho".
Nguồn: Sưu Tầm
No comments