Abang Adik hay tiếng thét câm lặng? - TIN TỨC THỜI TRANG HOT NHẤT

Header Ads

Breaking News

Abang Adik hay tiếng thét câm lặng?

Phim kể về hai anh em không quốc tịch, sống ở tầng đáy xã hội Malaysia

Phim kể về hai anh em không quốc tịch, sống ở tầng đáy xã hội Malaysia

Abang Adik theo chân hai anh em Abang (Ngô Khảng Nhân đóng) và Adik trong khu Pudu ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Bộ phim bắt đầu bằng trích dẫn Cái bóng của Marin Sorescu: "Một số sống dựa vào cái bóng của mình, thậm chí cái bóng ấy cũng chẳng vẹn toàn. Lúc thì chỉ có thể dùng một bàn tay, lúc thì chỉ có thể dùng một con mắt".

Cuộc đời những chiếc bóng

Âm thanh của tiếng nước rỉ xuống nền như rơi trong một tầng hầm tựa hồ thông báo một đời sống âm thầm, lẩn lút.

Liền đó là những khuôn mặt khắc khổ hiện ra mà không cần phải thuyết minh ta cũng có thể đoán được họ thuộc tầng lớp thấp. Cả dáng ngồi, ánh mắt trông lên cũng cho thấy họ là những người dưới đáy xã hội.

Cảnh mở đầu này mở ra không khí u ám, chật chội, có cảm giác tù túng cho toàn bộ phim. Và sự thật, họ là những kẻ bị cầm tù trong chính thân phận của mình - những người không có giấy tờ tùy thân, bị truy đuổi, bị bắt...

Ứng với lời đề từ, họ là những cái bóng, chỉ có thể sống được trong bóng tối, sống nhờ vào người khác. Những cái bóng câm lặng như khiếm khuyết bẩm sinh của nhân vật Abang.

Đây cũng trở thành ngôn ngữ chính của bộ phim, một ngôn ngữ của lặng im, dẫu bối cảnh được đặt trong không gian thành thị xô bồ, một khu chợ ồn ào, một cuộc truy đuổi, tiếng la hét và kết thúc bằng một sự im lặng mãi mãi.

Bài viết này được đặt tên theo tiểu thuyết của văn hào Nhật đoạt giải Nobel Kenzaburo Oe - Tiếng thét câm lặng.

Không phải vì chủ đề tương tự mà vì những điểm tương đồng trong việc khắc họa cuộc đời đầy mâu thuẫn, đối nghịch nhưng dường như không thể thiếu vắng nhau của hai cặp anh em trong hai tác phẩm.

Giữa Abang và Abik - ai là hình, ai là bóng? Cách đặt tên phim cũng nói lên sự gắn kết chặt chẽ này. Không có chữ "và" hay một dấu gạch nào kết nối cả hai.

Tuy hai mà một. Tội lỗi của người này là hình phạt lên người kia. Sự sống của người này được tiếp tục tuôn chảy trong người kia. Cả tiếng gào kêu đòi quyền sống cũng như một.

"Tiếng thét câm lặng" vừa đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Abang thậm chí không có khả năng thét lên, dù cuộc đời anh vốn dĩ đầy rẫy bất công.

Không ngừng hy vọng nhưng liên tục vỡ mộng. Đến phút cuối cùng, cả sự sống dường như cũng không còn ý nghĩa vì đó là sự sống của một chiếc bóng.

Bi kịch của Abang là bi kịch của kẻ khát sống cho ra con người, một con người có thể kiêu hãnh đi dưới ánh mặt trời mà không sợ hãi. Hành động của Abang có thể tiêu cực trong mắt nhiều người, nhưng đó chính là biểu hiện phản kháng cuối cùng anh có thể làm trước cuộc đời, phản kháng như một người sống, được quyền tự định đoạt số phận của mình.
Abang Adik có sự tham gia của ảnh đế Ngô Khảng Nhân (bìa phải) và Trần Trạch Diệu

Abang Adik có sự tham gia của ảnh đế Ngô Khảng Nhân (bìa phải) và Trần Trạch Diệu

Viết tiếp câu chuyện cũ

Người nhập cư không phải là chủ đề mới, nhưng đạo diễn và biên kịch Jin Ong đã thổi vào đó góc nhìn khác biệt, vừa có tính địa phương vừa phổ quát.

Là một người Malaysia gốc Hoa, ông đã chọn ngôn ngữ tổ tiên để kể câu chuyện của những người nhập cư trong thời đại mới.

Bộ phim nói tiếng Hoa, mang quốc tịch Malaysia phần nào cho thấy sự đa dạng cũng như phức tạp của thế giới hôm nay khi mà những định nghĩa về căn cước, Tổ quốc trở nên nhập nhằng.

Thành công vượt ra ngoài biên giới của phim cho thấy lựa chọn ngôn ngữ kể chuyện của đạo diễn đã tìm được sự đồng cảm với nhiều khán giả.

Những người có lẽ không đến mức khốn cùng như Abang và Abik nhưng mang trong mình tâm thức của người nhập cư, thường trực nỗi bất an vì không biết có thể coi nơi đang ở là nhà hay không.

Abang Adik | Official Trailer | Netflix

Abang Adik, việc hóa thân vào một nhân vật khiếm khuyết dường như không gây nhiều khó khăn cho Ngô Khảng Nhân, đặc biệt là phân đoạn gần cuối phim khi Abang trút hết nỗi lòng của mình với nhà sư.

Dù chỉ thông qua thủ ngữ và ánh mắt nhưng Ngô Khảng Nhân đã lột tả trần trụi cái bi kịch của một người không gia đình, không thân phận.

Trường đoạn ấn tượng này trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội, minh chứng cho khả năng diễn xuất tài tình của diễn viên. Có thể nói, Ngô Khảng Nhân đã gánh đỡ cho Jin Ong rất nhiều trong bộ phim này.

Nhưng nói sao đi nữa, tài năng của đạo diễn là không thể phủ nhận. Nó cũng chứng tỏ những câu chuyện "bùn lầy nước đọng", những tiếng nói bên lề cuộc sống vẫn có chỗ cất lên trong thế giới phù hoa của điện ảnh.

Và tiếng nói ấy vẫn còn hấp dẫn. Doanh thu phòng vé của Abang Adik đã nói lên được điều này.

Ở tuổi gần 50, Jin Ong (hay theo phiên âm Hán Việt là Vương Lễ Lâm) mới có tác phẩm đầu tay trên cương vị đạo diễn. Bộ phim đã giành được một số giải thưởng điện ảnh quốc tế. Đó là một khởi đầu khá thuận lợi.

Nguồn: Sưu Tầm

No comments

Kiem Tien Online Uy Tin